4 loại vaccine đắt tiền sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ

Từ nay đến năm 2030, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ bổ sung 4 loại vaccine ngừa tiêu chảy, phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm, tiêm miễn phí cho trẻ.

Thông tin được bà Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết tại tọa đàm Tiêm chủng vaccine an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng, ngày 10/7. Hiện, Chương trình Tiêm chủng mở rộng tiêm 12 loại vaccine miễn phí cho trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Theo lộ trình, vaccine Rotavirus ngừa tiêu chảy dự kiến trong năm nay đưa vào tiêm chủng mở rộng tại nhiều tỉnh thành, triển khai toàn quốc vào năm 2024. Tiếp đó, vaccine phế cầu sẽ tiêm từ năm 2025; vaccine HPV phòng ung thư cổ tử cung tiêm từ năm 2026, còn vaccine phòng cúm dự kiến tiêm từ năm 2030.

Các vaccine trên hiện được tiêm dịch vụ (có trả tiền). Trong đó, vaccine cúm tiêm lần đầu hai mũi cách nhau ít nhất một tháng sau đó nhắc lại hàng năm, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi, giá 190.000- 350.000 đồng một lần tiêm tùy loại. Vaccine ung thư cổ tử cung giá 1- 2 triệu đồng/một lần tiêm, liệu trình ba liều khoảng cách 0-2-6 tháng, cho nữ 9- 26 tuổi. Vaccine phế cầu giá khoảng 1, 2 triệu đồng/một lần tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi, còn vaccine phòng virus rota gây tiêu chảy cho trẻ từ 6 tuần tuổi, giá 500.000- 700.000 đồng một liều uống, liệu trình 2-3 liều tùy loại.

Như vậy, trẻ dùng đủ liệu trình trên, chi phí cho vaccine khá lớn. Khi các loại vaccine này được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm hoặc uống miễn phí.


Bà Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, tại tọa đàm ngày 10/7.

Tại tọa đàm, PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết thế giới đang nghiên cứu nhiều vaccine mới như ngừa ung thư cổ tử cung (dù nhiều loại đã có trên thị trường), ngừa ung thư gan, tay chân miệng.

Bộ Y tế cũng đang tìm nguồn cung ứng vaccine tay chân miệng, ưu tiên xem xét cấp phép lưu hành một loại vaccine được đơn vị sản xuất nộp hồ sơ đăng ký hôm 30/5.

Vaccine này được Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia (NHRI) của Đài Loan thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và hai vào năm 2010-2017, với 425 trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi; thử nghiệm giai đoạn ba tại Việt Nam và Đài Loan với trên 3.000 trẻ.

Trung tâm thử nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP HCM là đơn vị phối hợp triển khai tại Việt Nam, tiến hành năm 2019-2021 với nhóm trẻ từ hai tháng tuổi đến dưới 6 tuổi, sống tại 6 huyện thuộc hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Sau thử nghiệm giai đoạn ba, Hội đồng đạo đức nghiệm thu, ghi nhận vaccine giúp bảo vệ trẻ chống lại bệnh tay chân miệng do EV71 ở bất kỳ độ nặng nào, hiệu quả 96,8%.

Ông Dũng hy vọng năm 2024 vaccine phòng tay chân miệng được đưa vào tiêm chủng dịch vụ, tạo miễn dịch chủ động cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ hai tháng đến 6 tuổi để phòng bệnh do nhiễm EV71, chủng virus nguy hiểm lây lan nhanh và có thể gây biến chứng nặng nề. Đây là chủng virus đang tái xuất tại các tỉnh phía Nam sau hai năm vắng bóng, làm tăng số ca nhiễm và nhiều ca nặng, ít nhất 4 em bé đã tử vong.

Lượt xem: 192
Người đăng bài: Ban truyền thông
Nguồn bài viết: UBND Quận Ba Đình
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 25 đánh giá