TẬP HUẤN TIẾP CẬN PHƯƠNG PHÁP STEAM TẠI TRƯỜNG MẦM NON

Ngày 9/1/2021, trường Mẫu giáo số 5 phối hợp với trường Mầm non A đã tổ chức tập huấn phương pháp giáo dục STEAM cho giáo viên của 2 nhà trường tại trường Mầm non A, 23 Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội. Hướng dẫn buổi tập huấn này là giảng viên Nguyễn Thu Hoài đến từ trường Cao đẳng Sư phạm Nhà trẻ Mẫu giáo Trung ương.

Với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo giáo dục bắt kịp với thời đại, mục tiêu đào tạo những con người mới của thế kỉ 21 từ bước nền tảng đầu tiên là giáo dục mầm non, BGH trường Mẫu giáo số 5 luôn tìm tỏi, học hỏi và nhanh chóng đưa các phương pháp mới vào chương trình giáo dục trong nhà trường. 

Giáo dục STEAM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực. Ở đó, học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (và nghệ thuật) vào các bối cảnh cụ thể, vào thực tiễn. Đối với trường mầm non và áp dụng phương pháp STEAM cho trẻ mầm non đó chính là áp dụng những hiểu biết, những kiến thức trong các lĩnh vực ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ, thể chất và tình cảm kỹ năng xã hội vào những "dự án". những " chủ đề" mà trẻ thực hiện một cách hào hứng, sáng tạo, có tính ứng dụng cao và đặc biệt phù hợp với nhu cầu "học mà chơi" của trẻ. Trong giáo dục STEAM, trẻ thật sự trở thành trung tâm của các hoạt động, trẻ được tìm hiểu, học tập, thực hiện và phát huy theo nhu cầu và năng lục của mình. Giáo viên chỉ đóng vai trò là người định hướng và hỗ trợ khi trẻ thực sự cần thiết. STEAM cũng xóa bỏ ranh giới của những lĩnh vực, những hoạt động riêng lẻ một cách tự nhiên, giúp trẻ tiếp thu và phát triển đồng đều qua quá trình sáng tạo, "chơi mà học".

Trong những thập niên gần đây, giáo dục STEAM đã trở nên phổ biến ở Mỹ và một số nước tiên tiến trên thế giới bởi tính ưu việt của nó. Nhận thấy STEAM có nhiều ưu điểm và các những đặc điểm phù hợp với giáo dục Việt Nam, nhiều trường học tại Việt Nam đã bắt đầu tìm hiểu và đưa STEAM và trường học, trong đó có Mầm non A và trường Mẫu giáo số 5.

Giảng viên Nguyễn Thu Hoài, là một trong những giảng viên được tiếp cận khá sớm với phương pháp giáo dục STEAM và đã được đào tạo bởi các chuyên gia nước ngoài, có quá trình nghiên cứu và thực hành về phương pháp giáo dục này tại VIệt Nam đã nhiệt tình hướng dẫn chi tiết và cụ thể không chỉ về lí thuyết mà còn cho giáo viên thực hành ngay tại buổi tập huấn. Nhờ vậy, từ những kiến thức vô cùng sơ khai ban đầu về STEAM, sau buổi tập huấn, giáo viên 2 trường đã hiểu hơn về phương pháp này, hiểu về cách thức ứng dụng STEAM vào thực tiễn để nâng cao chất lượng các hoạt động tổ chức cho trẻ hàng ngày.

Mặc dù buổi tập huấn được tổ chức vào ngày nghỉ, trong cái lạnh của những ngày mùa đông, nhưng giáo viên 2 trường đã tham gia đông đủ, hào hứng, tích cực. Buổi tập huấn đã diễn ra với chất lượng chuyên môn cao nhưng không nặng nề, hình thức mà rất thiết thực, vui vẻ. Sau buổi tập huấn, giáo viên đã thu hoạch được rất nhiều kiến thực chuyên môn và cả phương thức áp dụng STEAM vào thực tiễn.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tập huấn phương pháp giáo dục STEAM 

Giảng viên Nguyễn Thu Hoài - Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tập huấn phương pháp giáo dục STEAM

 

Giáo viên trường Mẫu giáo số 5 và trường Mầm non A tham gia tập huấn
Một số sản phẩm thực hành trong buổi  tập huấn phương pháp giáo dục STEAM

 


Lượt xem: 221
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá